Những cơn mưa xuân lất phất bay cũng là lúc chè đâm chồi, nảy lộc và cho thu hái vụ đầu. Đến xã Tân Cương (Thái Nguyên), chúng tôi thấy nhiều đồi chè xanh ngát, búp non mơn mởn, căng tràn nhựa sống. Dừng chân tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái ngay từ cổng, hương chè thơm vấn vít.

Chị Dương Thị Thơm – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái (bên trái) chia sẻ về chất lượng chè vụ Xuân 2021.

Mặc dù sản lượng chỉ bằng 50% so với chè chính vụ nhưng chè Xuân có ưu điểm là nước màu xanh cốm, ngọt hậu, ít vị chát, giá bán cũng cao hơn khoảng 20% so với các lứa khác trong năm. Rót mời chúng tôi thưởng thức chén trà xanh sóng sánh, chị Dương Thị Thơm – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái phấn khởi: “Thời tiết năm nay rất đẹp. Điều kiện đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi cho chè phát triển. Chè có nhiều loại như: Chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu… Tôi luôn tự hào về vùng đất Tân Cương, nơi đây không chỉ có thương hiệu trong nước mà còn được khách quốc tế tin dùng. Từ đời cha ông chúng tôi đến đây khai hoang, thuộc vùng thổ nhưỡng thiên nhiên ban tặng, khí hậu tuyệt vời, trong mảnh đất có chất dinh dưỡng thích hợp với cây chè. Với đất phù sa cổ, vị trí thuận lợi phía đông dãy Tam Đảo và gần nguồn nước tốt ở hạ lưu sông Công”.

Theo chị Thơm, từ tháng 12 Âm lịch, Hợp tác xã bắt đầu đốn chè, tạo tán, sau đó dọn dẹp cỏ dại, bón phân, phun vôi lên cây để hạn chế mầm bệnh. Sau Tết, trời nắng ấm, có mưa phùn nhỏ, chè lên xanh tốt. Sau 45 ngày, chè bắt đầu cho thu hoạch. Lứa chè đầu tiên, cây chắt chiu dưỡng chất nên thơm ngon hơn những lứa chè còn lại. Từ cây chè, những thành viên trong Hợp tác xã có nguồn thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để có sản phẩm chè thơm ngon, Hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, như các búp chè khi hái xong được đưa vào sao trực tiếp chứ không để qua đêm. Đặc biệt, Hợp tác xã đã ứng dựng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động, sử dụng máy hút chân không để bảo quản chè… Chè sao xong được lấy hương cẩn thận rồi bảo quản trong túi hút chân không để tránh ẩm mốc.

Người dân Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái thu hái chè Xuân.

Về giá bán sản phẩm chè vụ xuân năm 2021 cao hơn khoảng 20% so với các lứa chè khác trong năm.

Chè trồng không sử dụng phân bón hoá học, không phun thuốc kích thích và chỉ hái những búp non nhất vào các buổi sớm mai. Niềm tự hào về sản phẩm chè của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái là cây chè được chăm sóc bằng nguồn phân dơi, đỗ tương và đất hiếm đã tạo sự khác biệt về chất lượng chè sạch, an toàn và hương thơm. Nhờ đó mà các sản phẩm của Hợp tác xã luôn mang đến chất lượng tốt nhất.

Việc sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam không chỉ giúp bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng Nông thôn mới. Đó cũng là mục tiêu mà nhiều vùng trồng chè hữu cơ tại Thái Nguyên đang hướng tới.

Mô hình trồng chè hữu cơ giúp người dân có phương thức sản xuất nông nghiệp mới, thân thiện với tự nhiên và môi trường, góp phần bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, trồng chè hữu cơ còn góp phần phát triển kinh tế và xây dựng Nông thôn mới bền vững, nâng cao thu nhập và hướng tới nông nghiệp sạch.

Theo chị Thơm chia sẻ: “Công nghệ trồng chè hữu cơ mang đến sản phẩm trà sạch, an toàn và có lợi ích cho sức khoẻ. Chè được trồng theo mô hình khép kín đạt chuẩn VietGap, trải qua các công đoạn chăm sóc, gieo trồng công phu, cùng các biện pháp an toàn được tuân thủ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó mô hình trồng chè sạch hữu còn giúp các sản phẩm trà Thái Nguyên đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó mở ra cơ hội phát triển”.